Tự tìm tòi, học hỏi, ông Nguyễn Văn Phước đã sản xuất thành công nước cốt trái nhàu được thị trường tin dùng

Giữa trưa nắng, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Hồng Nhung, cặm cụi xới đất, chăm sóc những gốc nhàu. Trông ông như một nông dân thực thụ. “Đây là vùng nguyên liệu tôi mới trồng thử nghiệm. Hy vọng đến cuối năm, sẽ có những trái nhàu phù hợp với tiêu chuẩn sản xuất”- ông hồ hởi khoe.

Học cách chế biến

Cách đây 12 năm, ông Phước bị bệnh thấp khớp, dù đã chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không khỏi bệnh. Thấy ông đau nhức, đi đứng khó khăn, bạn bè liền chỉ cách ngâm trái nhàu với đường để uống. “Lúc đầu, tôi cũng không tin công dụng của trái nhàu nhưng có bệnh thì ai chỉ gì cũng làm. Không ngờ sau gần một năm dùng thử, tôi không còn đau nhức nữa”- ông kể.

Từ đó, ông bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu về trái nhàu. Khó khăn dành cho ông lúc bấy giờ là ở Việt Nam, người dân chỉ xem nhàu là loài cây dại, ít có tài liệu nào nghiên cứu công dụng của chúng.
6chot_6d3b8
Ông Nguyễn Văn Phước (phải) làm việc cùng nhân viên tại xưởng sản xuất.
Để có thêm thông tin khoa học, ông phải tự củng cố vốn tiếng Anh, đọc các tài liệu y học nước ngoài. Qua quá trình tìm hiểu, ông phát hiện trong trái nhàu có chất xeronin giúp cơ thể dễ hấp thu dưỡng chất, đào thải chất độc, làm tăng sức đề kháng, hỗ trợ điều trị một số bệnh: đau nhức xương khớp, cao huyết áp…

Song song với việc nghiên cứu, ông còn tìm hiểu quy trình ủ trái nhàu của thổ dân Hawaii và chọn cách này để chế biến sản phẩm. “Ngoài việc ủ trái nhàu, tôi còn ép, lọc xác, vắt lấy nước, đóng chai thanh trùng. Cách này đơn giản lại hiệu quả, có thể sử dụng triệt để nguyên liệu giúp sản phẩm chất lượng hơn”- ông Phước cho biết.

Xây dựng vùng nguyên liệu

Khi đã tìm ra công dụng cũng như quy trình chế biến của trái nhàu, ông Phước tiến hành sản xuất thử nghiệm. Nhưng lấy đâu ra nguyên liệu vì trái nhàu vốn chỉ là cây mọc dại? Để có nguyên liệu sản xuất, ông  mua trái nhàu từ các đầu mối. Trong quá trình chế biến, ông nhận ra rằng trái nhàu thu mua không được trồng trên vùng đất tốt nên sản phẩm không chất lượng. Từ thực tế trên, ông quyết định tự  xây dựng vùng nguyên liệu riêng để phục vụ việc chế biến.

Ông cho rằng việc tìm được vùng đất để ươm trồng giống cây nhàu cũng rất gian nan. Qua quá trình nghiên cứu cũng như mang nhiều mẫu đất đi xét nghiệm, ông phát hiện chỉ có đất ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành – Tiền Giang phù hợp nhất. Ông quyết định mở vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy tại đây. Để bảo đảm chất lượng cho trái nhàu, ông dùng chế phẩm vi sinh để bón cho nhàu thay vì bón phân hóa học.

Khách hàng ưa chuộng

Đến nay, sản phẩm nước cốt trái nhàu của ông đã xuất hiện trên thị trường và được nhiều khách hàng tin dùng. Với nước cốt trái nhàu, ông đoạt huy chương vàng “Sản phẩm chất lượng vì sức khỏe cộng đồng” và được Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cấp giấy chứng nhận.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu (quận 11-TPHCM), người đã sử dụng nước cốt trái nhàu hơn 2 năm qua, cho biết trước đây, chồng bà bị cao huyết áp còn bà hay bị đau nhức, đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng vẫn không hết. “Nhờ có nước cốt trái nhàu mà chồng tôi ít bị tăng huyết áp như trước, còn tôi khỏi hẳn bệnh đau nhức.
Đến nay, cả gia đình tôi đều tin dùng sản phẩm này”- bà tâm sự. Còn chị Lê Thị Thúy (quận Bình Thạnh-TPHCM), do áp lực công việc nên vợ chồng chị thường xuyên mệt mỏi. Hai năm trước, Thủy được một người bạn giới thiệu nước cốt trái nhàu có thể uống thay cho các loại thuốc bổ mà trước đó chị vẫn tin dùng. “Từ khi uống nước nhàu, tôi thấy đỡ nhức mỏi, tinh thần sảng khoái hơn. Nhờ thế mà tôi khỏe mạnh hơn, làm việc hiệu quả” – chị bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Phước cho biết: “Tôi luôn mong muốn sản phẩm do mình làm ra phục vụ tốt cho cộng đồng. Sau khi việc xây dựng nhà máy hoàn tất, tôi và các đồng nghiệp sẽ bắt tay vào nghiên cứu các loại cây khác: diệp hạ châu, dứa dại, rau má… để cho ra các sản phẩm nước ép có công dụng tốt cho sức khỏe mọi người”.

Báo ” Người Lao Động ” – Bài và ảnh: HỒNG NHUNG

Bình luận

Please enter your name. Please enter an valid email address. Vui lòng nhập nội dung